CHUYÊN MỤC


Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn

18/04/2018
Gia Lai có tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn chiếm đa số nhưng phần lớn chưa qua đào tạo nghề. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Nhiều bất cập, hạn chế

2.jpg
Nghề dệt thổ cẩm đang được tỉnh quan tâm đầu tư đào tạo, phát
triển tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar. 
Ảnh: S.T

 
Những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ được sự ổn định và phát triển; các mô hình cánh đồng lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật tiên tiến có bước phát triển bền vững. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,42%. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của LĐNT. Tuy nhiên, tỷ lệ LĐNT đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh mới chỉ chiếm khoảng 30%. Từ năm 2011 đến 2015, mỗi năm tỉnh đào tạo trên 5.000 LĐNT, nhưng năm 2016 và 2017 giảm xuống chỉ còn trên 2.000 LĐNT được đào tạo mỗi năm.

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Theo đó, công tác tuyên truyền chưa tốt, một số nơi người dân không quan tâm đến học nghề, chưa nhận thức đúng mục tiêu của học nghề là nhằm ổn định việc làm hoặc có thêm việc làm mới, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Cơ cấu ngành nghề ở một số nơi không hợp lý, trên cùng một địa bàn số lượng người học cùng một nghề quá cao và nhiều nghề không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều trường hợp không duy trì được nghề lâu dài; sự phối hợp của cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất trong tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT còn thấp.

Ông Nguyễn Văn Trình (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) là một người trồng cà phê lâu năm; gia đình ông có 3 lao động đều chưa qua đào tạo. Các quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bán sản phẩm đều làm theo kinh nghiệm. Hỏi đến đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” thì ông lắc đầu không biết. “Con trai tôi tốt nghiệp THPT rồi ở nhà theo bố đi làm rẫy. Nếu cháu được học thêm nghề gì đó thì tốt quá!”-ông Trình chia sẻ. Còn chị Đinh Ram (làng Phăm Klăh 1, xã Bar Măih, huyện Chư Sê) thì ngược lại: Dù đã được đào tạo nghề cắt may rồi vào làm ở một công ty may mặc tại tỉnh Bình Dương, nhưng vì điều kiện xa nhà, chị nghỉ việc về quê và quên luôn nghề được học.

Đào tạo nghề gắn với xây dựng NTM

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 49 xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh đang nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Trong đó, đào tạo nghề cho LĐNT, từng bước chuyển dịch cơ cấu bền vững là những giải pháp được ưu tiên thực hiện. Do đó, bên cạnh nghề sửa chữa máy nông nghiệp và nghề trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su đã được triển khai đào tạo sâu rộng, có hiệu quả những năm qua, tỉnh đang rà soát lại danh mục nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và quy hoạch xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu rõ lợi ích của việc học nghề.

Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, khẳng định: Việc đào tạo nghề chỉ thu hút được người dân khi nghề đó có ý nghĩa đối với sinh kế gia đình. Người dân không bỏ thời gian ra đi học một nghề mà học xong không biết để làm gì. Vì vậy, năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh ưu tiên đào tạo nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và kết hợp với phát triển các làng nghề truyền thống, thế mạnh của từng địa phương. Huy động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, đơn vị quân đội trên địa bàn gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho LĐNT, đào tạo những nghề mà người dân có thể phát huy được ngay trên quê hương mình.

Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT là nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nghề từ đầu tư vật chất, trang-thiết bị đến xây dựng đội ngũ giáo viên. Vì vậy, tỉnh đang sắp xếp, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nghề. Tổ chức các khóa học linh hoạt về chương trình, hình thức, phương thức đào tạo, kết hợp giữa mở các lớp đào tạo tập trung và các lớp lưu động ngay tại thôn làng để thu hút người học. Coi trọng hướng dẫn thực hành phù hợp với nhận thức của người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

 

Nguồn: Sơn Tùng - Báo Gia Lai




 
ICT.png

Copyright © 2014 Bản quyền thuộc về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Rcom Sa Duyên -  Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai
ĐC: 10 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, Gia Lai - Email: sldtbxh@gialai.gov.vn- ĐT: 0269.3824.462 - Fax: 0269.3828.316 
Giấy phép số: 06/GPTTĐT-STTTT ngày 15/8/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang