CHUYÊN MỤC


Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng

20/05/2018
Ở các nước phát triển, việc liên kết đào tạo giữa các trường cao đẳng nghề và các tập đoàn, công ty sử dụng lao động là sự liên kết theo chương trình, theo đơn đặt hàng của bên cầu và sự bảo đảm chất lượng đào tạo của bên cung. Bên này gọi, bên kia trả lời ngay và ngược lại.

 

Đó là sự đồng bộ trong một guồng máy kinh tế. Ở đây, cả 2 bên đều cần đến nhau, đều tồn tại vì nhau và đều được hưởng lợi. Đó đã gần như là một thiết chế kinh tế, nó gắn liền giữa đào tạo và sử dụng, giữa cung và cầu của nguồn nhân lực. Càng công nghiệp hóa thì hoạt động cung và cầu lao động càng rõ ràng, rành mạch và có kế hoạch.
9-1.jpg
Ảnh: Đ.Y
 

Chúng ta muốn công nghiệp hóa thì việc đào tạo nguồn nhân lực phải liên kết với việc sử dụng. Cứ kêu gọi “phải có nguồn nhân lực chất lượng cao”, nhưng sử dụng vào đâu, “đầu ra” ấy thế nào thì vẫn mông lung. Ngược lại, khi bên sử dụng yêu cầu lực lượng lao động đáp ứng những điều kiện cụ thể thì bên cung lại không làm được vì “thiếu hàng”.

Trong thực tế cuộc sống, có những ngành nghề phát triển vượt trội, yêu cầu những người lao động có tay nghề nhưng lại chưa được chú ý đúng mức ở các cơ sở đào tạo. Ví dụ như nghề nấu ăn. Khi hàng quán mọc lên san sát khắp nơi, cứ tưởng không thể nào kinh doanh có lãi, vậy mà thu nhập từ nghề dịch vụ ăn uống lại vẫn khá cao. Nhu cầu về đầu bếp giỏi, người phục vụ thạo việc, có kỹ năng vì thế trở nên rất lớn. Nắm bắt được cơ hội này, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai đã mở những lớp dạy nấu ăn, thu hút rất nhiều học viên. Từ thực tế đó, bây giờ, không ai nói chỉ những ngành như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh mới “hot”, mới “sang chảnh” mà chính nghề nấu ăn đã và đang trở thành ngành đào tạo rất thực tế, mang lại hiệu quả cao. Học viên học nấu ăn sau khi tốt nghiệp có đầu ra rất tốt, có thu nhập khá cao.

Lắng nghe nhu cầu nhân lực từ cuộc sống, nhanh chóng và chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu ấy, các trường dạy nghề sẽ không phải lo thiếu học viên và những người theo học sẽ không lo thiếu việc làm.

Cơ sự những trường đại học bây giờ đào tạo hàng chục vạn sinh viên rồi để họ thất nghiệp cũng chỉ vì không biết lắng nghe và đáp ứng nhu cầu nhân lực từ cuộc sống. Cứ đào tạo theo chương trình cũ, kế hoạch cũ, ngành nghề cũ mà không cần biết cuộc sống hiện tại đang cần gì thì thất bại là điều khó tránh khỏi.

Việc Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai thành lập Phòng Tiếp xúc Doanh nghiệp để trực tiếp đặt cầu nối với doanh nghiệp trong nhu cầu nhân lực là rất sáng tạo và cần thiết. Nếu các trường dạy nghề đều biết lắng nghe, biết “gọi” và biết “đáp” những vấn đề về  nhân lực khi liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thì chương trình đào tạo chắc chắn sẽ sinh động hơn, thực tế hơn và đáp ứng đúng nhu cầu hơn từ cuộc sống.

Về phía các doanh nghiệp, việc liên kết với các trường đào tạo nghề là điều kiện tiên quyết để có nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thực tế của mình. Không chỉ liên kết hình thức mà các doanh nghiệp cần liên kết sâu, đặt hàng cho nhà trường những ngành nghề mình cần, có chế độ học bổng và lựa chọn những học viên khá giỏi với mức lương cạnh tranh về doanh nghiệp của mình… Điều này sẽ tạo ra động lực cho cả nhà trường và học viên trong dạy và học, dạy thực tế và học thực dụng. Đó là cái mà người ta hay nói là “gọi nhau giữa cung và cầu lao động” trong một xã hội đang phát triển.


Thanh Thảo (BGL)

 


 
ICT.png

Copyright © 2014 Bản quyền thuộc về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Rcom Sa Duyên -  Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai
ĐC: 10 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, Gia Lai - Email: sldtbxh@gialai.gov.vn- ĐT: 0269.3824.462 - Fax: 0269.3828.316 
Giấy phép số: 06/GPTTĐT-STTTT ngày 15/8/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang