CHUYÊN MỤC


Gia Lai: Vững vàng bám biên phòng-chống dịch Covid-19

28/05/2021
(GLO)- Gần 2 năm nay, dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ thuộc các tổ, chốt phòng-chống dịch Covid-19 khu vực biên giới tỉnh Gia Lai vẫn bám trụ nơi đường mòn, lối mở để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chốt “3 không”
 
Chúng tôi vừa có chuyến công tác tại chốt phòng-chống Covid-19 của Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông). Chốt có tên gọi là Cota với “3 không”: không điện, không nước, không sóng điện thoại.
 
Gần 2 năm nay, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vẫn bám đường biên và các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn người xuất-nhập cảnh trái phép để phòng-chống dịch bệnh. Ngoài căn nhà bằng gỗ và tre nứa được dựng lên để cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt chung, các tổ còn lại phải bám đường biên, lối mở, trú mình trong tấm bạt buộc vào những gốc cây để tránh nắng mưa. Khó khăn, gian khổ là thế nhưng các anh vẫn luôn lạc quan, yêu đời và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

CC1.jpg
Kiểm tra công tác phòng dịch tại chốt lâm thời phía Nam
của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). 

Ảnh: Phương Dung

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Đại-Chốt trưởng chốt Cota-cho biết: “Chốt có 8 thành viên, gồm 5 chiến sĩ Biên phòng, 1 dân quân và 2 cán bộ được tăng cường từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Prông. Chốt được bố trí ở những khu vực gần với các đường mòn, lối mở để dễ kiểm soát. Chính vì thế, ở đây không có nước, không có sóng điện thoại và điện thắp sáng. Mỗi lần muốn báo cáo tình hình về đơn vị, chúng tôi phải leo lên cây mới có sóng điện thoại”.

CC2.jpg
Cán bộ, chiến sĩ chốt Cota tuần tra kiểm soát địa bàn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Những ngày này, Gia Lai bước vào mùa mưa. Nơi miền biên viễn, những cơn mưa rừng bất ngờ đổ xuống khiến nhiều chiếc bạt căng tạm không trụ vững, những ngôi nhà tạm bằng gỗ, tre cũng chông chênh trong gió. Để đảm bảo cho việc cắm chốt lâu dài, cũng như phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, Bộ Quốc phòng đã trang bị một số nhà bán kiên cố cho các đồn Biên phòng. Tuy nhiên, số nhà này vẫn còn thiếu so với nhu cầu phòng-chống dịch bệnh.
 
Thiếu tá Nguyễn Trường Giang-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Mơr-chia sẻ: “Dù mùa khô hay mùa mưa, chúng tôi vẫn luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; quyết tâm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và góp sức trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới”.
 
Dân quân tăng cường 2 tháng chưa về thăm nhà
 
Chia tay những người lính chốt ở Đồn Biên phòng Ia Mơr, chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông). Thiếu tá Nguyễn Văn Thành-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Mơr dẫn chúng tôi lên đường tuần tra biên giới, nơi những người lính đang ngày đêm căng mình để thực hiện nhiệm vụ. Trò chuyện cùng các anh, chúng tôi càng hiểu hơn những khó khăn, gian khổ đang hiện hữu nơi mảnh đất biên cương.

CC3.jpg
Cán bộ, chiến sĩ chốt phòng-chống dịch Covid-19 Đồn Biên phòng Ia Mơr
(huyện Chư Prông) tuần tra địa bàn. 
Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tuyến biên giới của tỉnh dài hơn 90 km, có 24 chốt cố định và 10 tổ tuần tra lưu động. Tuy điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng các lực lượng trên biên giới, trong đó có bộ đội Biên phòng luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Chúng tôi luôn quan tâm, động viên, chia sẻ những khó khăn với những người lính nơi tuyến đầu.

Hơn 2 tháng nay, chiến sĩ dân quân Bùi Văn Tùng luôn có mặt tại tuyến biên giới để thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19. Dù nhà ở gần (xã Ia Mơr) nhưng anh chưa một lần ghé về.
 
Anh tâm sự: “Khi được phân công tăng cường cùng lực lượng Biên phòng bám chốt để phòng-chống dịch, tôi đã xác định tư tưởng rõ ràng, đồng thời nói chuyện với vợ con về trách nhiệm của người lính nơi tuyến đầu. Chính vì thế, vợ con cũng yên tâm. 2 tháng nay, tôi không về nhà dù con còn nhỏ. Thương vợ, nhớ con nhưng nhiệm vụ được giao mình phải hoàn thành. Chốt chúng tôi có 8 người thay nhau canh gác và tuần tra, quyết không để người xuất-nhập cảnh trái phép, phòng-chống buôn lậu, đảm bảo an ninh trật tự. Công việc nhiều, đôi lúc vì nhiệm vụ bữa cơm trưa bắt đầu từ hơn 13 giờ nhưng tất cả đều vui vẻ, đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
 
Vĩnh Hoàng (BGL)



 
ICT.png

Copyright © 2014 Bản quyền thuộc về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Rcom Sa Duyên -  Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai
ĐC: 10 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, Gia Lai - Email: sldtbxh@gialai.gov.vn- ĐT: 0269.3824.462 - Fax: 0269.3828.316 
Giấy phép số: 06/GPTTĐT-STTTT ngày 15/8/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang