CHUYÊN MỤC


Bộ chỉ số DDCI: "Cú hích" nâng cao năng lực điều hành của tỉnh Gia Lai

26/09/2019
  

(GLO)- Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) đang được kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” nâng cao năng lực điều hành của các đơn vị, qua đó cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Gia Lai.

Ngày 28-8-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 519/QĐ-UBND ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Bộ chỉ số này là sự cụ thể hóa Kế hoạch hành động số 1512/KH-UBND ngày 8-7-2019 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2019, định hướng năm 2021. Đi kèm với bộ chỉ số này là 2 mẫu phiếu khảo sát ý kiến doanh nghiệp về sở, ban, ngành và chính quyền địa phương.
 
Triển khai đồng bộ      
 
Năm 2019 là năm đầu tiên tỉnh ta triển khai đánh giá chỉ số DDCI. Danh sách doanh nghiệp khảo sát do Cục Thuế tỉnh cung cấp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)-Chi nhánh Đà Nẵng sẽ chọn ngẫu nhiên khoảng 3.000 doanh nghiệp để khảo sát bằng hình thức gửi phiếu và phỏng vấn trực tiếp. Tất cả thông tin trong phiếu khảo sát sẽ chỉ được sử dụng vào mục đích thống kê và nghiên cứu, cam kết bảo mật danh tính của doanh nghiệp. Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 519/QĐ-UBND, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã phối hợp với VCCI Đà Nẵng tổ chức tập huấn chương trình khảo sát năng lực cạnh tranh của các sở, ngành và chính quyền cấp huyện cho Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Bưu điện tỉnh.
 
1-1.jpg
Các phiếu khảo sát DDCI sẽ được phát thông qua dịch vụ bưu chính
công ích ở các địa phương. 
Ảnh: H.D
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Hiệp hội đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo kế hoạch, Hiệp hội sẽ chọn khoảng 60 doanh nghiệp lớn, có uy tín thuộc các ngành sản xuất, chế biến công-nông nghiệp và đang có những vướng mắc liên quan về đất đai, thị trường, thuế hay vốn tín dụng và có số lần tiến hành các thủ tục hành chính nhiều để khảo sát trực tiếp. Đồng thời, đối với gần 3.000 doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, Hiệp hội chuyển phiếu khảo sát sang Bưu điện tỉnh để phát thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Sau khi thu hồi phiếu, Hiệp hội sẽ đóng gói gửi thẳng về VCCI Đà Nẵng để tổng hợp và xếp hạng. Dự kiến thời điểm công bố kết quả lần đánh giá đầu tiên này là cuối năm 2019 nếu kịp, còn không thì sẽ công bố sau khi đã có kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) toàn quốc, thường diễn ra vào khoảng tháng 4 hàng năm”.
 
Phụ trách phát phiếu cho các doanh nghiệp với khoảng 6.000 phiếu gồm cả 2 mẫu, Bưu điện tỉnh cũng bắt đầu triển khai nhiệm vụ được giao. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân-Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho hay: “Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên ngay sau khi được tập huấn tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Bưu điện tỉnh đã tổ chức tập huấn, phổ biến lại cho các bộ phận phụ trách phát phiếu về tầm quan trọng của việc điều tra, cách thức điều tra và nội dung câu hỏi khảo sát để khi cần thì anh em cũng có thể trả lời đúng, đủ nếu ai đó hỏi về Bộ chỉ số DDCI. Dự kiến tới ngày 10-10, Bưu điện sẽ thu hồi hết phiếu và chuyển qua cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh”. Cũng theo bà Vân, Bưu điện tỉnh sẽ nỗ lực hết sức nhằm phấn đấu có 100% phiếu phát ra được thu về, với điều kiện là các doanh nghiệp ở đúng địa chỉ mà Bưu điện được cung cấp để phát phiếu.
 
Thúc đẩy cải cách hành chính
 
Mục tiêu lớn nhất khi triển khai Bộ chỉ số DDCI là tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh; đồng thời tạo thêm kênh hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp phản ánh tiếng nói của mình tới chính quyền. Theo ông Lê Tiến Anh-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư): “Thực tế cho thấy, trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện dễ nảy sinh tình trạng “giao khoán” trách nhiệm của một vài đơn vị chủ trì mà thiếu động lực cải cách cho toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước. Vì vậy, rất cần thiết phải “chuyển hóa” trách nhiệm từ tỉnh sang các sở, ngành, địa phương cấp huyện. Theo đó, việc xây dựng Bộ chỉ số DDCI sẽ góp phần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh của tỉnh”.
 
2-2.jpg
Nhiều cá nhân, tổ chức tỏ ra khá hài lòng khi đến giải quyết TTHC
tại Bưu điện tỉnh. 
Ảnh: H.T

 
Thực tiễn cho thấy, hầu hết những tỉnh, thành phố duy trì hoặc có bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện qua kết quả điều tra PCI, đều là những nơi có tiến hành đánh giá chất lượng điều hành kinh tế ở cấp sở, ban, ngành, huyện, song hành với những nỗ lực cải cách hành chính tại địa phương. Ví dụ như ở Lào Cai, Quảng Ninh, sau khi triển khai bộ chỉ số DDCI, hiệu quả điều hành kinh tế của các tỉnh này đã tăng rõ rệt. Cụ thể, chỉ số PCI của tỉnh Lào Cai nhiều năm liên tục nằm trong nhóm tốt và rất tốt. Còn tỉnh Quảng Ninh đã trở thành “ngôi sao cải cách”, xếp thứ 2 toàn quốc về PCI năm 2016. Bộ chỉ số DDCI của tỉnh có 8 chỉ số thành phần gồm: tính minh bạch; tính năng động; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và vai trò người đứng đầu.
 
Được triển khai đánh giá ở phạm vi cả các sở, ngành, địa phương cấp huyện và cấp tỉnh, bộ chỉ số DDCI đóng vai trò như một công cụ theo dõi, giám sát việc thực thi ở các cấp có liên quan, để từ đó nâng cao hiệu quả điều hành của lãnh đạo tỉnh. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (740 Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) kỳ vọng: “Lần đầu tiên được trực tiếp đánh giá chất lượng phục vụ, điều hành, quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng, chúng tôi ý thức rất rõ đây là cơ hội để nói lên tiếng nói của mình, phản ánh những điều đã thấy hoặc trực tiếp trải nghiệm, qua đó mong có sự chuyển biến tích cực từ phía chính quyền địa phương để doanh nghiệp thêm thuận lợi trong sử dụng các dịch vụ công. Tôi cho rằng đây là động thái rất tích cực, cởi mở và cầu thị từ phía chính quyền. Mong rằng sau khi nhận được kết quả điều tra, đánh giá từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương có chương trình hành động cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như những bất cập, tồn tại nếu có từ phía những người thực thi chính sách, từ đó điều chỉnh kịp thời, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp”.
 
Liên quan đến việc triển khai Bộ chỉ số DDCI, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Phải triển khai thật tốt việc khảo sát này, bởi Bộ chỉ số DDCI cung cấp cho lãnh đạo tỉnh công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố; tạo ra kênh thông tin phản hồi minh bạch, rộng rãi và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với các sở, ngành, địa phương trong việc nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương”. 
Hà Duy (BGL)



 
ICT.png

Copyright © 2014 Bản quyền thuộc về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Rcom Sa Duyên -  Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai
ĐC: 10 Hai Bà Trưng, Tp. Pleiku, Gia Lai - Email: sldtbxh@gialai.gov.vn- ĐT: 0269.3824.462 - Fax: 0269.3828.316 
Giấy phép số: 06/GPTTĐT-STTTT ngày 15/8/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang